Pháp Điện Chùa_Dàn

Cận cảnh khuôn mặt tượng Pháp Điện

Chùa Dàn Câu là nơi thờ chính của Pháp Điện hay còn gọi "Đại Thánh Pháp Điện Phật " đứng thứ tư trong Tứ Pháp, chủ quản về Chớp (chữ Hán:電 - điện), gắn lền với truyện Phật Mẫu Man Nương. Xưa Sĩ Nhiếp nhờ Man Nương vớt được cây Dâu trên sông trước của thành Luy Lâu, tạc thành 4 pho tượng Phật, tạc đến pho thứ tư thì trời có chớp liền đặt tên Pháp Điện, cho dựng chùa Trí Quả để thờ phụng, tên nôm của làng là Dàn nên Pháp Điện cũng được gọi là Bà Dàn. Cùng với Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, nhân dân quan niệm Tứ pháp là bốn chị em, trong đó Bà Dâu là chị cả, Bà Đậu là chị hai, Bà Tướng là chị thứ ba và em út là Bà Dàn.

Chùa còn lưu giữ được các sắc phong năm Chiêu Thống nguyên niên (1786), Bảo Hưng nhị niên (1802) phong cho Phật Pháp Điện và hai vị Thành Hoàng trong đình làng Dàn Câu[2]:

  • Phật Pháp Điện: Đại thánh Pháp Điện dực thánh bản cảnh tuệ tĩnh tôn thần
  • Bản cảnh Thành hoàng: Thiên quang linh ứng đại vương
  • Bản xứ Thổ địa: Thổ kỳ linh ứng đại vương

Tượng Pháp Điện còn lại đến nay có niên đại khoảng thế kỷ 18, được công nhận là bảo vật quốc gia số 10, đợt 6 (năm 2017) cùng với ba pho tượng Tứ pháp còn lại. Tượng cao 1,7m, tọa thiền trên tòa sen mặt hiền từ phúc hậu, gò má cao, sơn màu đỏ tươi, mắt sáng mày cong, miệng mỉm cười tinh nghịch,bàn tay phải giơ lên, tay trái để trên đùi, trong lòng bàn tay có hạt minh châu. Bà Dàn là em út nên được tạc gương mặt trẻ và tươi vui nhất trong các tượng Tứ Pháp[3].

Trong lễ rước tượng của Hội Dâu, kiệu của Bà Dàn phải đi cuối, và do Bà Dàn tinh nghịch, nên bao giờ cũng phải chờ kiệu các chị đi một đoạn xa rồi mới đi theo, do trên đường bà Dàn sẽ cho kiệu chạy lung tung, rẽ phải rẽ trái, rồi chạy rất nhanh. Kiệu rước bà Dàn cũng phải đi kèm mục “đánh gậy” để dẹp lối cho các đoàn rước và lấy đất mở hội. Ba mươi hai thanh niên làng Dàn khoẻ mạnh, được phân công đi thành đoàn, mỗi người mang theo một cây gậy tre (gậy tre cuốn giấy đỏ bên ngoài thì gọi là “hồng côn”; gậy tre “bánh tẻ” đem xát muối, phơi nắng cho trắng thì gọi là “bạch trượng”), vừa đi vừa múa theo một vũ điệu nhanh, mạnh để mở lối[4].